Rừng Nauy, Haruki Murakami


Tựa đề : Rừng Nauy (Noruwei no mori)

Tác giả : Haruki Murakami

~oOo~ .

Đến năm 21 tuổi tôi mới nhận ra Watanabe không yêu Midori nhiều như người ta vẫn tưởng.

Tình cảm của Watanabe dành cho Midori vừa có yêu thích, vừa là sự dựa dẫm. Mặc dù rất chán ghét phải thừa nhận điều này nhưng Watanabe chỉ yêu Naoko và cố gắng dựa vào sự tươi sáng của Midori để sống. Gã yêu Naoko, đồng thời cũng sợ thứ thế giới bất toàn của cô và Kizuki sẽ nuốt chửng lấy mình nên mỗi khi cảm nhận được mình đang tiến dần với thế giới ấy, gã lại nhoài người ra tóm lấy Midori như một sự cứu cánh, trao cho cô câu yêu như một sự hứa hẹn để cô ngoan ngoãn ở đấy đợi gã, làm chỗ dựa cho gã quay về sau tất cả.

Dĩ nhiên người bình thường sẽ không hiểu nổi thứ tình cảm phức tạp này, họ chỉ biết yêu là yêu, không là không. Midori đơn thuần luôn lạc lõng và bị áp đặt tình cảm bởi gã bồ trai gia trưởng hơn tuổi của cô, cô chỉ cần một người hiểu cô và cho cô cảm giác đồng điệu. Watanabe cho cô cảm giác ấy, cô nghĩ mình yêu hắn và họ dựa dẫm vào nhau dù Midori không biết rằng thứ tình yêu này sẽ làm cô phải hụt hẫng về sau biết bao lần. Tựa như câu chuyện về Chí Phèo và Thị Nở – một tình cảm vừa có sự ban ơn lẫn chịu ơn, tồn tại để cứu nhau khỏi những rối bời lạc lõng tuổi trẻ, không sa hố sâu của sự bất toàn.

Họ nghĩ Watanabe về sau sẽ yêu Midori dài lâu ? Tôi cười khổ cho ý nghĩ ngây thơ ấy. Thứ hạt mầm chết chóc tuổi trẻ Kizuki và Naoko đã gieo trong nội tại sâu thẳm của Watanabe vào tuổi 17 và 20 – hai ngưỡng trưởng thành lớn nhất của con người đã mọc thành cây che lấp tâm hồn gã. Nếu Watanabe yêu Midori, hẳn gã khi được Midori thủ dâm cho đã không nghĩ đến cử động của Naoko. Nếu Watanabe hoàn toàn trở thành một con người bình thường, chắc đã không ngộ ra ý nghĩa của Hatsumi trong cuộc đời mình khi nhìn thấy ánh chiều tà đỏ ối thấm đẫm mầu đỏ cam chảy tràn lên cơ thể ở Santa Fe mười mấy năm sau. Midori chỉ là một cô gái bình thường hơi điên điên với khát khao tìm được người hiểu và yêu mình, lấp đầy sự thiệt thòi hụt hẫng trong lòng… Liệu có thể chấp nhận một gã trai bất toàn, sống trong nỗi ám ảnh dài lâu về cái chết và những bóng ma quá khứ như thế?

Mà hẳn Watanabe đã chẳng yêu ai. Naoko mãi là chấp niệm quá khứ, Midori là chỗ dựa dẫm hiện tại… Còn gã, gã chỉ đang loay hoay giữa sự thống khổ về nỗi chấp mê bản ngã trong lúc tìm người đáp ứng nỗi cô đơn của mình. Watanabe đã chết từ rất lâu rồi.

Nói về cái chết, tôi không thể ngừng nghĩ đến những con người biến mất trong truyện của Murakami. Đột nhiên biến mất vô cớ đã trở thành một cliché quen thuộc được áp dụng trong hầu hết các quyển sách ông viết mà nhiều người không lý giải được. Nhưng tôi nghĩ sự biến mất ấy cũng giống như cái chết, nó là một lẽ tự nhiên và bắt buộc phải thế.

Tôi thương Quốc-xã nhất ngoài Kizuki và Hatsumi ra. Có lẽ đó là một thứ tình cảm được góp nhặt từ lòng thương hại và sự đồng cảm.

Ba nhân vật tôi yêu mến nhất trong “Rừng Na-Uy” thì hai người chết, một kẻ biến mất không để lại dấu vết gì. Những năm 18 tuổi tôi vẫn thường ngơ ngẩn với cái chết của Kizuki và sự biến mất của Quốc-xã, rồi sự ngơ ngẩn ấy cũng dần lặng xuống đáy trở thành một nỗi chấp nhận trong trơ lì và cam chịu. Tôi biết Quốc-xã sẽ không tự tử, hẳn cậu chàng với cặp mục kỉnh dày cộm và siêng tập thể dục theo đài NHK mỗi sáng ấy đã về quê. Nhưng cho dù là như thế thì câu trả lời ấy cũng không xoa dịu được cơn điên trong tâm hồn tôi lúc ấy, sao Quốc-xã phải như thế? Con người hiền lành, có chút Khốt-ta-bít lên Tokyo học Đại Học khoa Địa lý với câu trả lời đơn thuần nhưng đủ khiến Watanabe phải cứng họng:

“Tớ thích bản đồ nên xin tiền bố mẹ lên Tokyo học về bản đồ. Còn cậu không thích Kịch sao lại đi học khoa Kịch?”

Đó cũng là câu hỏi đủ khiến những đứa thanh niên thời đại này phải ngậm mồm vào không biết trả lời ra sao. Quốc-xã hạnh phúc vì có đam mê, nhưng thứ đam mê ấy cuối cùng cũng không đủ sức níu kéo cậu ở lại một thành phố phù phiếm và trống rỗng, với lũ nam sinh cùng trường thích thủ dâm và đi kiếm gái vào mỗi tối cuối tuần cùng những đứa con gái đỏng đảnh nhưng dễ dụ, sẵn sàng lao lên giường với một anh chàng có bề ngoài đẹp mã và “hay ho” sau vài chầu rượu. Watanabe là một tay tốt bụng và chơi được, nhưng gã cũng phải tự che giấu bản thân mình bằng cách đôi khi tự hùa vào kể xấu Quốc-xã hay ngủ lang với một cô nào đó để lấp đầy sự trống rỗng đang gặm nhấm dần từng tế bào bên trong mà không dừng lại được. Món quà cuối cùng Quốc-xã tặng cho Watanabe trước khi biến mất cũng đơn thuần và chân chất như con người cậu – một con đom đóm bỏ trong lọ thủy tinh. “Tặng bạn gái cậu đi, chắc cô ấy sẽ thích đấy”, câu dặn dò của cậu vẫn tràn đầy tin tưởng và sự ngây thơ như chính con người Quốc-xã, như những làng quê Nhật Bản tràn ngập ánh sáng đom đóm đẹp đẽ vào mùa hè giữa một bầu không khí vô nhiễm tinh khiết mà người ở Đông Kinh phải lặn lội tìm về trong kỳ nghỉ ngắn ngày để tránh xa thành phố tạp âm. Quốc-xã biến mất trước khi bầu không khí ô hợp trống rỗng ở Tokyo vấy nhiễm cậu, một phần nào đó cũng như cái chết của Kizuki bằng ống thông khói ô-tô và Hatsumi rạch tay tự vẫn khi cuộc đời đã đến ngưỡng. Ba bọn họ chấp nhận dừng lại trước khi phải “bước qua phía bên kia” để trở thành những người trưởng thành rỗng tuếch sống tạm khác.

“Rừng Na-uy” không phải tiểu thuyết hay nhất của Murakami, chắc chắn rồi. Nhưng nó là quyển sách đầu tiên của ông bạn phải đọc nếu muốn bước chân vào thế giới bất toàn của lão-già-yêu-mèo. Tôi không gợi ý để bạn đọc “1Q84”, “Cuộc săn cừu hoang”, “Nhảy, nhảy, nhảy” hay “Kafka bên bờ biển”… trước dù nó có được đánh giá cao cách mấy. Như một nỗi đau đầu tiên của tuổi mới lớn buộc phải xảy đến và chấp nhận, “Rừng Na-uy” bắt buộc bạn phải ghim nỗi đau ấy vào một nơi sâu thẳm bên trong để có đủ trải nghiệm và trưởng thành để hiểu, chấp nhận và dấn thân vào những trải nghiệm điên rồ và bất toàn đến tỉnh queo khác của Murakami. Một ngôi nhà thì cần phải có móng, và quyển sách với tên gọi mỹ miều “Dành cho thanh xuân bất diệt” này đơn thuần chỉ là móng vậy.


 K. loves mirrors

Nhận xét

Bài đăng phổ biến