ĐỪNG TRẢ GIÁ VỚI NGƯỜI NGHÈO !

Mấy hôm trước, tôi đi ăn trưa ở một quán cơm bình dân nằm trong ngóc ngách của Sài Gòn, ngồi cùng bàn là 2 anh công nhân ăn bận cũng rất lịch sự tươm tất, đang rôm rả nói chuyện. Cùng lúc đó, có một cô bán hàng rong đi ngang qua và dừng lại bàn mời 2 anh mua đồ. Anh thứ nhất hỏi cô giá của một chiếc ví mà anh đang lựa của cô, cô trả lời : “Ba mươi nghìn cháu ạ !”. Anh thứ 2 nghe vậy hét toáng lên : “Gì mà ba chục dữ vậy? Tui mua cái bóp này da đẹp luôn ở Châu Đốc có 15 ngàn à !” – nói rồi móc trong túi sau ra chiếc ví đã cũ của anh.

Cô vừa trả lời vừa lấy tay áo lên lau mồ hôi của cái nóng đặc trưng ở mảnh đất này : “Cháu đừng nói thế, cô đâu có ra tận Châu Đốc để lấy hàng về bán, bán được cái ví này cô chỉ lời được có mấy nghìn thôi cháu ạ !”. Tôi thấy được vẻ cực nhọc hiện lên trên khuôn mặt rám nắng của cô, cảm nhận được cái mệt mỗi lần cô lau mồ hôi trên mặt. Anh thanh niên thứ nhất liền bảo : “Thôi hai chục là có lời rồi cô ơi, cái bóp này rẻ rề hà, cháu biết mà !”.

Hai anh công nhân tiếp tục kì kèo trả giá và chê đắt hơn 10 phút, đoạn này làm tôi thấy mệt cả người mà ăn cơm mất ngon. Cuối cùng, cô bán hàng đưa ra cái kết : “Ừ, thôi cháu lấy đi, hai mươi nghìn cũng được !” – nói rồi cô xin ly trà đá từ hai anh.

Thật tình mà nói, tôi không biết cô lời được bao nhiều tiền từ cái ví ấy, nhưng tôi biết cái cảm giác đi bộ lang thang với một đống đồ lềnh kềnh giữa trưa dưới cái nắng gay gắt của Sài Gòn là như thế nào. Tôi thường ví nó giống như sa mạc Sahara nhưng độc hại hơn nhiều vì khí thải của các nhà máy, xí nghiệp, bụi bặm và khói đen xì từ những chiếc xe tải, xe buýt,… Và do đó, tôi tin rằng cái giá ban đầu mà cô đưa ra là đáng với những gì cô đã bỏ ra, từ khâu lấy hàng, cho đến khâu định giá và cả khâu tiếp thị. Và điều quan trọng, nó là tất cả những gì mà cô dùng để kiếm sống, để mưu sinh. Có thể nhờ bán được cái ví đó đúng giá mà cô có một bữa trưa, hoặc có thể nhờ đó mà cô đủ tiền đóng tiền học cho con cô ở nhà. Đằng sau những nỗi đời riêng của người nghèo thường là cả một bộ phim dài tập chát chúa và bi đát.

“Trả giá” hay miền Bắc gọi là “mặc cả” – nó là một trong nhiều khuyết điểm của tôi. Lúc trước tôi rất hay bị mẹ mắng vì đi chợ không biết trả giá. Không hẵn là vì tôi không biết cách, mà vì quan niệm của tôi rất khác. Tôi cho rằng trả giá không chứng tỏ rằng mình “khôn” hay “lanh”, mà nó chứng tỏ rằng bản thân mình đang tàn nhẫn với chính những người cùng cảnh ngộ với mình.

Cũng quán ăn đó, nhưng vào một hôm tôi đi ăn trưa rất trễ, khoảng gần 3h chiều. Một cu cậu khoảng 15 tuổi đội nón tai bèo trên tay cầm xấp vé số chạy vội vã vào trong quán và mời từng bàn. “Chú ơi cháu còn có mấy tờ, chú mua giúp cháu đi sắp xổ rồi !” – nó nói với giọng năn nỉ rồi chìa ra đưa cho một ông chú cũng cỡ trung niên, ông chú cầm lựa một hồi rút ra 6 tờ rồi bảo : “Tao mua giùm mày 6 tờ, mày lấy tao năm chục thôi nha, một tờ mày lấy ở đại lý có 8-9 ngàn à, tao mua giùm không thôi tí nó xổ là toi đời mày !”. Suy nghĩ một lúc nó cũng gật đầu với ánh mắt rưng rưng sắp khóc. Chắc nó cũng mừng, vì chí ít cũng có người mua cho đỡ lỗ, nhưng bản thân tôi thì lại thấy hành động đó không phải gọi là “giúp đỡ”, mà nó giống một kiểu “chén ép” hơn, lợi dụng tình cảnh khốn khó của kẻ khác để bản thân hưởng lợi – quả là ích kỉ !


Có một nghịch lý như thế này, chúng ta chỉ trả giá với những người nghèo, còn những người giàu thì không bao giờ. Bạn thử nhớ lại xem, có bao giờ bạn vào quán ăn KFC rồi khi tính tiền bạn kì kèo trả giá hay không? Có ai đi mua Iphone 6+ mà chê đắt, đòi người bán phải giảm giá cho mình không? Chúng ta có biết mỗi một cái điện thoại được bán thì nhà sản xuất lời được bao nhiêu tiền, còn mỗi tờ vé số mà người lao động nghèo bán thì lời được bao nhiều tiền không?

Và, mỗi lần trả giá thì giá trị của sản phẩm đó được tăng lên hay giảm xuống? Còn giá trị của bản thân chúng ta thì được giảm xuống hay tăng lên?

Nhiều quan điểm cho rằng : Tôi là người nghèo nên tôi phải trả giá, khi tôi giàu, tôi sẽ không bao giờ phải suy nghĩ đến việc trả giá. Nhưng quan điểm đó là sai lầm, bạn càng nghèo, thì bạn phải càng hiểu được nỗi khổ của những người đồng cảnh ngộ, giúp người khác nghĩa là giúp chính mình. Giết chết cái nghèo đi để cùng sung túc.

Vậy cuối cùng, chúng ta có nên tiếp tục trả giá với những người nghèo hay không?


Phong Nhiên.
Nguồn: vietvuvo.com

Nhận xét

Bài đăng phổ biến